Cảnh giác, đừng biến mình thành nạn nhân của trò lừa đảo du lịch
Mẹo phòng tránh ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch |
Muôn hình vạn trạng kiểu lừa đảo
Tối 7/6, giới kinh doanh combo du lịch Việt Nam đồng loạt chia sẻ thông tin về một vụ lừa đảo lớn. Có tới 144 khách mua combo vé máy bay + khách sạn tại đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, nhưng khi ra sân bay mới biết không có vé. Dù thông tin này đúng hay sai thì theo những người làm du lịch, đây chính xác là thời điểm các “cú lừa combo” diễn ra nhiều nhất.
Thông tin 144 khách đi Phú Quốc bị lừa tràn ngập trên các diễn đàn du lịch |
Anh Đặng Thanh Tùng, Giám đốc Công ty du lịch New World Travel nhìn nhận, sau 2 năm dịch bệnh bùng phát, khi du lịch được mở cửa trở lại, rất nhiều công ty lữ hành đã tung sản phẩm khuyến mại kích cầu du lịch và lợi dụng điều đó, các đối tượng lừa đảo du lịch cũng “té nước theo mưa”, đánh vào tâm lý những khách hàng thiếu kinh nghiệm, ham rẻ…
“Thời gian trước, trong giới bán combo du lịch rộ lên thông tin về voucher một triệu đồng/ người/ chiều bay. Bên cạnh mức giá rẻ bất ngờ, voucher này còn hấp dẫn nhờ việc có thể bay mọi chặng, chỉ cần trả tiền trước. Các đối tượng lừa đảo đã đánh vào tâm lý ham rẻ của chủ đại lý mới vào nghề và khách hàng thiếu kinh nghiệm. Không thể nào có mức giá rẻ hơn từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/ combo/ người, nhất là cao điểm với cùng dịch vụ tương đương” - anh Tùng nhìn nhận.
Bài chia sẻ của tài khoản Sabrina Hien trên diễn đàn du lịch |
Chị Dương Thị Ngọc Anh, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nhân viên bán vé của công ty du lịch A.L cho hay, nhiều năm qua, cứ mỗi mùa du lịch là tình trạng lừa đảo lại rộ lên. “Không chỉ có trường hợp giả nhân viên bán vé, đợi khách chuyển tiền cọc là chặn mọi liên lạc, mà còn có cả trường hợp giả làm khách để giao dịch và thông báo cho đại lý đã chuyển tiền thành công. Khi không thấy tiền về, đại lý hỏi lại khách thì được chuyển cho 1 đường link, yêu cầu nhấn vào đó để nhận tiền. Nhưng đường link đó là một trò lừa đảo để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng” - chị Ngọc Anh cho hay. Chính bản thân chị cũng suýt thành nạn nhân của trò lừa đảo này.
“Cũng may là mình còn tỉnh táo nên đề phòng, chứ nhiều người không tiếp xúc quen với các giao dịch trên mạng sẽ dễ bị lừa, đặc biệt là khách mua tour. Tốt nhất, nếu mua bán qua mạng, mọi người nên kiểm tra kỹ uy tín của người bán trước khi chuyển tiền, nếu được thì yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, cung cấp thông tin của công ty bán tour để tránh trường hợp mất tiền oan” - chị Ngọc Anh chia sẻ.
Khó khăn khi xử lý hành vi lừa đảo du lịch
Về chế tài, theo luật sư Nguyễn Hồng Vân, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, tùy thuộc vào việc có hành vi bỏ trốn hay không, đối tượng có thể bị xử lý về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo đánh giá của đại diện Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội, thời gian qua các vụ lừa đảo combo du lịch chưa bị các cơ quan pháp luật xử lý nhiều, nguyên nhân chính do việc đặt combo du lịch, thanh toán tiền đều trên môi trường mạng xã hội.
Cảnh giác với các chiêu lừa du lịch, không biến mình thành nạn nhân (Ảnh minh họa) |
Người mua combo không biết tên, mặt hay địa chỉ liên hệ của người bán là khá phổ biến. Do đó, khi bị lừa đảo, nếu người mua trình báo với cơ quan chức năng thì cũng mất nhiều thời gian để xác định danh tính, thông tin đối tượng lừa đảo cũng như chứng minh hành vi lừa đảo của đối tượng. Mặt khác, nhiều khách hàng cũng có tâm lý ngại trình báo cơ quan pháp luật do số tiền bị chiếm đoạt không lớn. Điều này khiến các vụ lừa đảo combo du lịch giá rẻ diễn ra nhiều hơn.
Điển hình như vụ trên diễn đàn Tổng hội vé máy bay, ngày 17-5 vừa qua, một tài khoản có tên Sabrina Hien đã đăng thông tin “11.000 anh chị em cho em hỏi VNA mới tung gói nào 29 triệu 10 vé khứ hồi bay ngày giờ nào cũng được với. Khách quen hỏi nà em không có, khách nói em cập nhật chậm quá, cả chi nhánh Agri của khách ai cũng mua 2 gói để dành rồi”. Sau khi tin này được tung ra và nhiều người đã mua 3, 4 gói cho gia đình và bạn bè. Và hôm nay, tài khoản Sabrina Hien đã cập nhật thông tin “gói này đã bùng”, trong khi đó, nhiều người đã mua gói hỏi chủ tài khoản là có nên đi trình báo công an không và có thể giải quyết được không.
Theo Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội, để thuận tiện cho việc tránh bị lừa đảo hoặc có chứng cứ khi bị lừa đảo, người mua cần lưu lại toàn bộ các thông tin liên quan trong quá trình mua combo như thanh toán, mail, tin nhắn... Khi giao dịch, người mua phải yêu cầu bên cung cấp combo làm hợp đồng với các điều khoản chi tiết về chuyến bay, khách sạn, giá vé, các chi phí phát sinh khác (nếu có), trách nhiệm nếu vi phạm hợp đồng và các chế tài xử lý.
Nếu có dấu hiệu bất thường, người mua cần sớm trình báo với cơ quan công an để được hỗ trợ bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, thông qua công tác nắm tình hình cũng cần kiểm tra, xác minh tổ chức, cá nhân cung cấp combo du lịch giá rẻ bất thường để phát hiện, kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo.
Nếu đặt với cá nhân trên mạng xã hội, hãy kiểm tra thông tin người đó. Nếu đối tượng lừa đảo, thông tin của chúng sẽ có ít cập nhật và bạn bè. Tiếp đó, hãy hỏi người bán làm cho công ty nào, hoặc cộng tác viên của bên nào để gọi xác minh. Trong trường hợp làm việc với công ty, nên làm việc với các bên có email chính thức của công ty, chứ không phải các loại email miễn phí.
Du lịch là hành trình trải nghiệm thú vị của mỗi người, mọi nhà, để giảm stress sau những bộn bề lo toan công việc mưu sinh… Trước khi lựa chọn các combo du lịch, cá nhân cần có sự tìm hiểu kỹ về chi tiết được hưởng thụ theo combo, nếu mức giá quá chênh lệch, đó có thể là lừa đảo. Hãy cảnh giác trước các combo du lịch, đừng tự biến mình thành bị hại của du lịch lừa đảo.
Theo T.Văn/anninhthudo.vn