Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững
Kiểm soát rủi ro trái phiếu doanh nghiệp nhưng không can thiệp hành chính vào thị trường |
Bài học từ thị trường trái phiếu Mỹ
Theo chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu, cách đây 14 năm, thị trường trái phiếu Mỹ trải qua một khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, giá trái phiếu trên thị trường thứ cấp giảm 10,8%.
Khi đó, nền kinh tế Mỹ rơi vào cuộc đại suy thoái kể từ năm 2008, bắt nguồn từ thị trường bất động sản vỡ bong bóng. Người dân Mỹ thiệt hại 16.000 tỷ USD và hàng triệu người mất việc.
Sau đó, thị trường trái phiếu của Mỹ đã trải qua một cuộc cải cách toàn diện qua Đạo luật Dodd-Frank về cải cách Phố Wall và bảo vệ người tiêu dùng.
Ảnh minh họa. |
Đạo luật này do hai Thượng nghị sĩ Chris Dodd và Barney Frank soạn thảo và được Quốc hội Mỹ ban hành năm 2010. Nhờ kịp thời ban hành đạo luật trên mà hiện nay thị trường trái phiếu của Mỹ lên đến khoảng 46 nghìn tỷ USD, chiếm 38% thị trường trái phiếu toàn cầu.
Nếu so với GDP của Mỹ năm 2021 khoảng 22,7 nghìn tỷ USD thì tổng dư nợ thị trường trái phiếu của Mỹ lên đến trên 200% GDP của Mỹ. Trong khi đó, vốn hoá của thị trường cổ phiếu hiện nay (stock market capitalization) khoảng 48 nghìn tỷ USD, cao hơn chút đỉnh so với quy mô của thị trường trái phiếu.
Thị trường trái phiếu đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính của Mỹ vì đó là nơi đầu tư cho các quỹ hưu trí của người dân Mỹ.
Phần lớn các trái phiếu doanh nghiệp phát hành lần đầu được riêng lẻ cho các tổ chức tài chính như ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư và công ty kinh doanh chứng khoán. Trong số đó, chỉ một ít trái phiếu doanh nghiệp bao gồm mortgage-backed securities được phát hành lần đầu tiên ra công chúng.
Tuy nhiên, những trái phiếu doanh nghiệp này phải đăng ký với Ủy ban chứng khoán và giao dịch (gọi tắt là SEC) và thường được xếp hạng tín nhiệm.
Ở Mỹ, phần lớn các trái phiếu phát hành trên thị trường sơ cấp đều có xếp hạng tín nhiệm. Thực tế, những nhà đầu tư lớn khi cam kết mua trái phiếu đều muốn mua trái phiếu có xếp hạng bởi họ muốn mau chóng bán lại cho các tổ chức tài chính khác.
Cũng theo TS Hiếu, khi phát hành trái phiếu, nhà phát hành đưa ra bản cáo bạch nêu rõ mục đích sử dụng vốn, các chi tiết liên quan đến lãi suất, thời hạn trả nợ, phương pháp trả nợ và các cam kết phải thực hiện.
Tại Mỹ, nhiều doanh nghiệp phát hành có người quản lý trái phiếu, chịu trách nhiệm việc theo dõi các quy định được nêu ra.
Trong trường hợp nhà phát hành không tuân thủ những cam kết được quy định trong bản cáo bạch thì nhà đầu tư có thể kiện nhà phát hành để đòi bồi thường thiệt hại hay đòi trả lại nợ.
Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn đi song song với thị trường vốn vay ngân hàng, giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống ngân hàng. Đồng thời giảm rủi ro cho các doanh nghiệp, không bị quá phụ thuộc vào hệ thống tín dụng ngân hàng.
Bài học nào cho thị trường Việt Nam?
Nhìn lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho hay, thị trường đang trải qua một giai đoạn khó khăn, lòng tin của nhà đầu tư bị dao động vì những vụ việc xảy ra gần đây.
Mặc dầu thị trường chưa rơi vào khủng hoảng nhưng những vụ việc xảy ra chứng tỏ thị trường cần một sự chấn chỉnh và cải cách mạnh mẽ.
Ông Hiếu cho rằng, tại Việt Nam, thị trường phát hành riêng lẻ sẽ phát triển mạnh hơn so với thị trường phát hành ra công chúng. Nhưng đây lại là thị trường rủi ro hơn, vì các quy định về phát hành không chặt chẽ như phát hành ra công chúng.
Theo đó, chúng ta cũng cần nâng cao khả năng kiểm soát và trao thêm quyền lực cho các cơ quan quản lý thị trường, tiền tệ, kiểm toán Nhà nước trong việc thực hiện các nghĩa vụ quản lý và kiểm soát thị trường.
Nhiều người hiện nay lo ngại việc siết chặt thị trường của các cơ quan quản lý sẽ làm mất đi khả năng phát triển của thị trường.
Nhưng với những gì đã xảy ra, sự kiểm soát thị trường một cách hiệu quả sẽ là tiền đề cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Dĩ nhiên điều này sẽ tạo ra những khó khăn, nhưng sẽ tạo lại niềm tin cho thị trường, và có lẽ đây cũng là cái giá phải trả để có một thị trường đi vào quy củ và ổn định.
Về việc xếp hạng tín nhiệm, ông Hiếu kiến nghị chúng ta cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 88 của Chính phủ quy định về xếp hạng tín nhiệm ban hành năm 2014. Trong đó, cần quy định, thống nhất các ký hiệu cho các hạng mức tín nhiệm…
Ngoài ra, ông Hiếu và một số chuyên gia cũng cho rằng, cần thành lập riêng một Văn phòng trực thuộc Bộ Tài chính về Xếp hạng tín nhiệm, để giám sát hoạt động của các công ty Xếp hạng tín nhiệm đang hoạt động.
Từ đó kiểm soát việc tuân thủ các quy định về xếp hạng tín nhiệm… kiểm soát các trường hợp xung đột lợi ích giữa các thành viên của công ty xếp hạng và trái phiếu được xếp hạng.
Đồng thời, các nhà phát hành cũng cần bổ sung mục đích sử dụng vốn và đưa ra một công cụ để các nhà đầu tư theo dõi việc sử dụng vốn. Việc làm này nhằm làm rõ các phương pháp trả nợ, lãi và tính lãi suất cố định hay thả nổi có đo lường, cam kết tài chính và có những chế tài xử phạt hợp lý.
Cần phải điều tiết thị trường
Ở góc độ khác, theo các chuyên gia kinh tế, trong 3 tháng đầu năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có dấu hiệu hạ nhiệt vì một số chính sách mới, làm giảm cơ hội tiếp cận vốn của doanh nghiệp, qua đó, làm chậm nhịp phục hồi và phát triển và lỡ nhịp chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội 2022-2023.
Xét về quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp 4 tháng đầu năm theo chủ thể, có thể thấy số lượng phát hành trái phiếu đã bị giảm đi đáng kể. Trong đó, doanh nghiệp bất động sản chỉ phát hành bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cũng chứng tỏ thị trường đã có sự kiểm soát tương đối chặt chẽ.
Theo chuyên gia, TS Cấn Văn Lực, thị trường bắt đầu giảm nhiệt rất rõ. Tuy nhiên, doanh nghiệp bất động sản vẫn là khối lớn nhất phát hành trên thị trường.
Cụ thể, về cơ cấu phát hành trái phiếu doanh nghiệp 4 tháng đầu năm, thị trường bất động sản chiếm 37,3%, ngân hàng chiếm 31,6%, xây dựng chiếm 16,9%, các lĩnh vực khác chiếm 11,4%, còn lại chứng khoán chiếm 2,8%. Nhu cầu của Việt Nam về vốn trung dài hạn trong thời gian sắp tới là rất lớn.
Hiện nay, nguồn cung vốn trung dài hạn chủ yếu từ các ngân hàng thương mại, trong khi về bản chất các ngân hàng này cho vay ngắn hạn, do chủ yếu huy động vốn ngắn hạn. Vốn ngắn hạn chiếm khoảng 75% - 80% tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng.
“Thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã phải gồng mình, phải cố cho vay trung dài hạn, chiếm tới 45% -50% tổng dư nợ của mình, quá sức với hệ thống ngân hàng. Cho nên kênh dẫn vốn qua thị trường trái phiếu trung, dài hạn hay thị trường cổ phiếu là vô cùng quan trọng. Vấn đề của chúng ta là điều tiết như thế nào, quản lý ra sao để phát triển một cách lành mạnh và bền vững hơn”, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
TS Cấn Văn Lực đề nghị, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp, như: Sớm sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Nghị định 156/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán; rà soát Luật Chứng khoán 2019 tiến tới sửa đổi, nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp…
Đặc biệt, cần cân nhắc mức độ phù hợp về quy định tài sản đảm bảo, bảo lãnh phát hành, phân phối trái phiếu.../.
Theo Quang Linh/laodongthudo.vn
https://laodongthudo.vn/de-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-phat-trien-ben-vung-140482-140482.html