Giá xăng dầu giảm, doanh nghiệp vận tải kêu “chưa thấm vào đâu”
Giá xăng dầu có thể giảm hơn 3.000 đồng/lít vào ngày 11.7 Chính phủ trình Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn |
Sau gần 1 tuần kể từ khi giá xăng dầu giảm hơn 3.000 đồng/lít, nhiều doanh nghiệp vận tải trên địa bàn TP.HCM cho biết họ vẫn chưa thực sự có lãi, khi giá cả một số mặt hàng, dịch vụ vẫn chưa hạ nhiệt để giảm áp lực chi tiêu, sinh hoạt.
Giảm hơn 3.000 đồng/lít, có thể nói đây là lần đầu tiên giá xăng dầu giảm sâu nhất kể từ đầu năm đến nay. Với anh Cang Quốc Thái, tài xế xe ôm công nghệ và đồng nghiệp của mình đây là tín hiệu vui, giúp các anh cải thiện thu nhập. Anh Thái cho biết, lúc giá xăng đạt đỉnh vượt ngưỡng 33.000 đồng/lít, anh chẳng thể mặn mà với công việc rong ruổi ngoài đường, nay xăng giảm anh đã phấn khởi hơn.
“Giá xăng giảm hơn 3.000 đồng/lít giúp những người tài xế cũng đỡ phần nào. Thời điểm xăng lên đỉnh điểm 33.000 đồng/lít, tài xế chúng tôi chạy không dư dả nhiều, chỉ chạy chơi chơi vừa đủ tiền là về. Với những anh em chạy xe là công việc chính thì phải “cắn răng” mà chạy”, anh Cang Quốc Thái nói.
Trong bối cảnh “bão giá”, các doanh nghiệp vận tải cho rằng giá xăng dầu hiện nay vẫn đang ở mức cao. |
Tuy nhiên, với những doanh nghiệp vận tải lớn bị tác động bởi nhiều chi phí khác trong quá trình vận hành thì với họ giá xăng dầu hiện nay vẫn còn ở mức cao. Trong bối cảnh “bão giá”, nhiều doanh nghiệp cho rằng họ chỉ mới “thu đủ chi” chứ chưa thể có lãi.
Ông Trần Hữu Phạm Tân, đại diện Công ty TNHH Vận tải hành khách Minh Phương cho biết, những ngày trước, mỗi chuyến xe khứ hồi TP.HCM - Huế tiêu thụ khoảng 25 – 26 triệu đồng tiền dầu, phí cầu đường, lương của tài xế, phụ xe, nhân viên ở 2 đầu bến. Nay giá xăng dầu giảm, chi phí trên cũng giảm về khoảng 23 triệu đồng.
Theo ông Tân, khoảng 1 tuần nay, tình hình kinh doanh của công ty có lãi nhưng cũng chẳng được là bao. Phần lớn lãi là do lượng hành khách đi lại tăng trong mùa hè, chứ không phải có lãi nhờ giá xăng dầu giảm.
“Do đang trong mùa Hè nên lượng khách và nhu cầu đi lại của người dân cũng rất là đông nên nhà xe còn khai thác được 2 chuyến/ngày. Khoảng 3 tuần nay, lượng khách ra vào giữa TP.HCM và Huế đông, nên lúc nào xe cũng đầy khách. Một phần cũng nhờ giá vé máy bay quá cao cho nên họ mới chuyển sang đi xe khách. Tầm khoảng tháng 8, giá vé máy bay bắt đầu hạ xuống là khi đó người ta sẽ đổi qua đi lại máy bay thì xe khách lại vô mùa ế, do lượng người đi lại ít”, ông Tân cho biết.
“Nhà xe vui thì có vui phần nào nhưng xăng dầu tăng bao nhiêu đợt và giờ giảm chỉ có 3.000 đồng/lít thì nói chung là cũng chẳng ăn thua. So với mặt bằng chung, chi phí chung của doanh nghiệp hiện tại phải chịu vẫn cao. Tôi mong các ban ngành ở trên xem xét giảm chi phí xăng dầu lại, để cho dân, doanh nghiệp đỡ tổn hại nhiều hơn”, ông Võ Thành Đông, đại diện công ty vận tải Tuấn Anh nói.
Theo ông Bùi Văn Quảng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vận tải hàng hóa TP.HCM, việc giá xăng, dầu giảm hơn 3.000 đồng/lít, sau hơn chục lần điều chỉnh tăng giá từ đầu năm đến nay là chưa “ăn thua” và chưa thể “trút bỏ” gánh nặng chi phí mà các doanh nghiệp vận tải đang chịu phải.
Các doanh nghiệp vận tải đang phải hoạt động cầm chừng và “gồng mình” chịu lỗ. |
Ông Quảng cho biết, giá xăng dầu tác động khoảng 17% giá thành vận chuyển, trong khi doanh nghiệp vận tải chỉ được điều chỉnh 5 – 10% giá cước mỗi khi giá xăng dầu tăng. Do đó, giá cước vẫn còn khoảng 5% trong biên độ chưa điều chỉnh. Với giá xăng, dầu giảm hơn 3.000 đồng/lít, nếu cơ cấu vào giá thành vận tải thì doanh nghiệp chỉ mới giảm được khoảng 200.000 đồng chi phí cho 100 km đường. Hiện nay các doanh nghiệp vẫn đang phải hoạt động cầm chừng và “gồng mình” chịu lỗ.
“Hiện giờ doanh nghiệp vận tải hàng hóa vẫn lỗ triền miên, chưa kể tác động về vấn đề thị trường, hàng hóa xuất nhập khẩu bị khan hiếm nên doanh nghiệp vận tải giảm năng suất hoạt động. Mặt khác, thiếu lái xe cho nên doanh nghiệp vận tải hàng hóa trên bờ vực phá sản toàn bộ. Bây giờ xe hết hạn sử dụng họ bỏ luôn, không đầu tư lại nữa. Bởi bài toán lỗ thấy rõ nên đầu tư rất khó thu lời”, ông Quảng cho biết.
Người dân và các doanh nghiệp vận tải TP.HCM mong muốn Chính phủ, các bộ ngành cần xem xét cắt giảm thuế VAT đối với các mặt hàng xăng, để giá xăng dầu tiếp tục giảm xuống thêm, tạo trợ lực giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh./.
Theo Tỷ Huỳnh/vov.vn
https://vov.vn/kinh-te/gia-xang-dau-giam-doanh-nghiep-van-tai-keu-chua-tham-vao-dau-post957312.vov