Nên đưa bố mẹ đi đăng ký khai sinh và đăng ký kết hôn
Hà Nội thực hiện quy trình đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn trên Cổng dịch vụ công Đề xuất tăng cường giao dịch điện tử trong mọi lĩnh vực của đời sống |
Khi một người qua đời, ở hàng thừa kế thứ nhất gồm cha, mẹ, vợ, chồng và các con là những người sẽ được hưởng thừa kế. Để được hưởng di sản, những người hưởng di sản phải chứng minh các mối quan hệ này bằng giấy tờ.
“Chứng minh mối quan hệ với các con thường không quá khó, nhưng chứng minh mối quan hệ với cha mẹ, vợ chồng của người đã chết thường gặp rất nhiều khó khăn do giấy tờ bị thất lạc, hoặc chưa bao giờ có”, ông An cho biết.
Ảnh minh họa: Người dân làm thủ tục đăng ký hộ tịch tại phường Quán Thánh. |
Theo ông An, các loại giấy tờ phổ biến nhất thường bị thiếu gồm:
1. Giấy khai sinh của người để lại di sản.
Giấy khai sinh để chứng minh mối quan hệ giữa người này với cha, mẹ.
2. Giấy chứng tử của cha mẹ người để lại di sản.
Nếu cha mẹ của người để lại di sản còn sống hoặc họ chết sau con của mình thì họ là người được hưởng di sản thừa kế của con. Khi phân chia di sản, bắt buộc phải chứng minh cha mẹ của người để lại di sản còn sống hay đã chết, nếu đã chết thì chết vào thời điểm nào. Cùng với giấy khai sinh của người để lại di sản thì giấy chứng tử của cha, mẹ người để lại di sản là loại giấy tờ không thể thiếu.
3. Giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của người để lại di sản.
Vợ hoặc chồng của người để lại di sản là người được hưởng di sản thừa kế, do vậy khi phân chia di sản buộc phải xác định rõ tại thời điểm người để lại di sản chết thì người này có vợ/chồng hay không. Giấy tờ để chứng minh là giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của người để lại di sản.
Từ thực tế giải quyết các hồ sơ yêu cầu phân chia di sản, công chứng viên Đào Duy An cho biết, đa số các hồ sơ bị thiếu các loại giấy tờ nêu trên. Khi được yêu cầu xuất trình thì những người thừa kế đều rất ngỡ ngàng, bởi nó chưa bao giờ nằm trong suy nghĩ của họ. Vấn đề càng khó khăn, phức tạp nếu như chính các cơ quan quản lý hộ tịch không còn lưu giữ được thông tin về đăng ký khai sinh, khai tử và đăng ký kết hôn để cấp trích lục cho công dân.
“Rõ ràng, không thể đăng ký khai sinh cho người đã chết, càng không thể đăng ký kết hôn cho người đã chết, luật pháp cũng không cho phép cơ quan nào cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người đã chết. Tóm lại, thiếu các loại giấy tờ này là việc phân chia di sản thừa kế rơi vào bế tắc”, ông An nói.
Việc không có các giấy tờ nêu trên có thể do chiến tranh, thiên tai, do phải lưu giữ quá lâu nên bị thất lạc, người dân chưa thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh, kết hôn vì nhiều lý do khác. Bên cạnh đó, còn có các trường hợp có giấy tờ nhưng sai thông tin trong quá trình cấp giấy. Trong khi đó, không ít người rất chủ quan, không quan tâm đến việc đăng ký, xin cấp các giấy tờ này.
“Để giải quyết những vướng mắc thực tiễn này, Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn đã có những quy định hướng dẫn, khuyến khích công dân đi thực hiện các thủ tục đăng ký hộ tịch, đăng ký lại hoặc đính chính thông tin trên các giấy tờ hộ tịch.
Vì vậy, các cụ nếu còn sống nên đi đăng ký khai sinh hoặc đăng ký khai sinh lại, đăng ký kết hôn hoặc đăng ký kết hôn lại, để bảo đảm quyền lợi cho bản thân và người thân, con cháu của mình. Con cháu cũng nên đưa các cụ đi làm những thủ tục này”, ông An tư vấn.