Ngăn ngừa tệ nạn ma túy ở các tụ điểm giải trí, cơ sở kinh doanh dịch vụ
Công an Hà Nội bắt giữ các đối tượng mua bán trái phép chất ma túy Ma túy ngụy trang dưới dạng chocolate |
Tràn lan vi phạm
Khoảng 0h15 ngày 23/6, tổ công tác của Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an quận Long Biên phối hợp với Công an phường Ngọc Thụy bất ngờ kiểm tra hành chính cơ sở karaoke 34 (địa chỉ 34 Ngọc Thụy, phường Ngọc Thụy).
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng Công an phát hiện trong phòng hát Vip1 có 38 đối tượng nam nữ nghi vấn sử dụng trái phép chất ma túy. Tiếp tục kiểm tra phòng ngoài lễ tân có 6 đối tượng.
Tổ công tác thu giữ trên mặt bàn có 1 đĩa sứ bám dính tinh thể màu trắng, 1 thẻ nhựa cứng và 1 tờ tiền cuộn tròn, trên sàn nhà có 12 viên nén màu xanh nghi vấn là ma túy tổng hợp. Tổ công tác đã lập biên bản, đưa các đối tượng cùng tang vật về trụ sở để đấu tranh, làm rõ.
Các đối tượng nam nữ có độ tuổi từ 20 tuổi đến 50 tuổi, trú tại nhiều tỉnh, thành phố. Qua test nhanh, hơn 30 đối tượng phản ứng dương tính với chất ma túy.
Bước đầu, cơ quan Công an làm rõ, số ma túy do đối tượng Nguyễn Đức Hiếu, trú tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên mang đến quán hát để chiêu đãi bạn bè trong sinh nhật.
Cơ sở karaoke 34 và đối tượng Nguyễn Đức Hiếu |
Trước đó, khoảng 0h10 ngày 7/5, Công an quận Hoàn Kiếm triển khai lực lượng kiểm tra đối với cơ sở kinh doanh quán bar Fame, có địa chỉ tại số 25 phố Ngô Văn Sở, phường Trần Hưng Đạo, cơ quan Công an đã phát hiện 4 bàn khách tại đây có biểu hiện sử dụng trái phép chất ma túy.
Tổ công tác đã thu giữ 8 viên ma túy tổng hợp dạng MDMA, 3 túi nilon chứa ma túy dạng Ketamin và nhiều đồ vật liên quan đến việc sử dụng ma túy.
Qua test nhanh đã xác định 27/150 đối tượng dương tính với ma túy. Trong đó, một nữ nhân viên của quán đang bị điều tra về hành vi mua bán trái phép chất ma túy...
Cần tăng nạng mức xử phạt
Theo thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm đã phát hiện, xử lý 5 cơ sở kinh doanh có điều kiện liên quan đến hành vi tổ chức, chứa chấp cho người khác sử dụng ma túy.
Qua các vụ cơ quan Công an triệt phá cho thấy, các đối tượng thường rủ rê lôi kéo tụ tập với số lượng đông rồi lên bar để thỏa mãn thú vui lệch lạc, trái pháp luật của mình. Thời điểm bị bắt, nhiều đối tượng vẫn còn đang phê thuốc.
Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, ngoài các đối tượng sử dụng, trong các vụ việc, cơ quan điều tra đã chứng minh được sự liên quan trực tiếp của quản lý và nhân viên quán bar trong việc tổ chức, chứa chấp, thậm chí cung cấp ma túy cho khách sử dụng.
Trung tá Nguyễn Thiện Chiến, Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an quận Hoàn Kiếm, thông tin, sau khi hoàn tất hồ sơ, các cơ sở kinh doanh, quán bar vi phạm đều được công an quận kiến nghị thu hồi giấy phép, cấm hoạt động.
Thông qua các vụ bắt giữ này, chúng tôi cũng đã có những thư ngỏ và tiếp tục cho các cơ sở ký cam kết và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng ngừa hai tội danh về tổ chức và chứa chấp. Đối với hai tội danh này khởi tố đều là khoản 2 tức từ 7-15 năm tù.
Để có thể “xóa sổ” được tệ nạn ma túy ở các tụ điểm giải trí, ngăn ngừa và giải quyết được tận gốc vấn đề, ngoài biện pháp hành chính, cần xử lý hình sự vụ việc và những người liên quan. |
Từ góc độ pháp lí, luật sư Phạm Hải Long (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, bên cạnh việc tổ chức và chứa chấp cho người có dấu hiệu sử dụng trái phép chất ma túy, các tụ điểm giải trí cũng thường hoạt động vượt quá thời gian cho phép theo quy định; có dấu hiệu buông lỏng quản lý hoặc tiếp tay để một số đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, hình thành tụ điểm tệ nạn xã hội, gây phức tạp về an ninh, trật tự…
Theo luật sư Phạm Hải Long, dễ nhận thấy rằng công tác phòng, chống, đấu tranh, triệt phá tệ nạn ma túy tại quán bar, vũ trường, điểm karaoke… gặp rất nhiều khó khăn nhưng việc xử phạt sai phạm lại chưa tương xứng với hậu quả, hệ lụy.
Cụ thể, các quy định pháp luật hiện hành như Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ, số tiền xử phạt vi phạm hành chính quá nhẹ, còn quá thấp so với mức lợi nhuận thông thường của hoạt động (loại hình) kinh doanh này.
Theo các chuyên gia pháp lý, cần sửa đổi quy định pháp luật liên quan theo hướng tăng mức xử phạt lên cao nhất có thể. Cùng với đó, cần có biện pháp xử lý mạnh hơn nữa đối với những tụ điểm thường xuyên vi phạm, tái phạm nhiều lần,…
Ngoài ra, để có thể “xóa sổ” được tệ nạn ma túy ở các tụ điểm giải trí, ngăn ngừa và giải quyết được tận gốc vấn đề, ngoài biện pháp hành chính, cần xử lý hình sự vụ việc và những người liên quan.
Bên cạnh đó, cần đề cao trách nhiệm của địa phương, chính quyền cơ sở, có cơ chế buộc người đứng đầu địa phương hoặc chính quyền cơ sở phải chịu trách nhiệm cao nhất nếu để xảy ra tệ nạn ma túy phức tạp, kéo dài.
Điểm a, Khoản 4, Điểm a, b, Khoản 8, Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định về vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật, người được giao quản lý cơ sở kinh doanh, dịch vụ, người quản lý phương tiện giao thông hoặc cá nhân khác có trách nhiệm quản lý nhà hàng, cơ sở cho thuê lưu trú, câu lạc bộ, hoạt động kinh doanh karaoke, hoạt động kinh doanh vũ trường, kinh doanh trò chơi điện tử, các phương tiện giao thông để xảy ra hoạt động tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy trong khu vực, phương tiện do mình quản lý; Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này; b) Tước quyền sử dụng Giấy phép, Chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm a, Khoản 4 và Khoản 6 Điều này |