Nhiều chính sách mới về cư trú, bảo hiểm y tế có lợi cho người dân
Tại Công văn 4011/VPCP-KSTT của Văn phòng Chính phủ đã nêu rõ về việc Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẵn sàng vận hành chính thức vào ngày 1/7/2021.
Khi đó người dân ngồi ở nhà hay bất cứ đâu vẫn có thể thực hiện được các việc như: Đề nghị cấp đổi thẻ căn cước công dân; Thủ tục khai báo tạm vắng để tránh bị xóa hộ khẩu; Nộp hồ sơ đăng ký cư trú…
Giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến cư trú cho người dân tại phường Phương Liệt. (Ảnh: ANTĐ) |
Ngoài ra, trong thời gian tới sẽ tích hợp nhiều thủ tục, tiện ích khác để phục vụ cho người dân một cách tốt nhất. Người dân có thể tiết kiệm được nhiều chi phí, thời gian và đặc biệt cảm thấy thoải mái và thuận tiện.
Hiện nay, Điều 19, 20 Luật Cư trú 2006 quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tại nội thành Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/7, điều kiện đăng ký thường trú theo quy định tại Luật Cư trú 2020 là như nhau tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Một trong những lợi ích lớn nhất cho mọi người dân chính là việc không cần mang quá nhiều giấy tờ khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch.
Cụ thể: Người dân không cần phải mang theo giấy xác nhận số chứng minh nhân dân cũ vì trên mã QR của thẻ căn cước công dân đã chứa toàn bộ thông tin của người dân. Do đó, từ ngày 1/7, người dân không còn cảm thấy khó khăn khi nhiều thủ tục, giao dịch cần dùng đến loại giấy này.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp mã QR không chứa thông tin số chứng minh nhân dân cũ thì bắt buộc người dân vẫn phải dùng đến giấy xác nhận. Nhưng những trường hợp này không nhiều.
Đối với những trường hợp đăng ký hộ khẩu, tạm trú hoặc thực hiện các thủ tục làm thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, tạm trú thì lần thực hiện thủ tục tiếp theo sẽ không cần mang sổ hộ khẩu.
Vì từ ngày 1/7 sẽ không cấp mới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú nên nếu người dân đăng ký hộ khẩu, tạm trú thì sẽ được quản lý bằng điện tử. Do đó, với lần thực hiện thủ tục tiếp theo sẽ không cần dùng đến sổ.
Người dân thực hiện các thủ tục về cư trú làm thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ bị thu hồi sổ và thực hiện quản ký bằng điện tử. Do đó, với lần thực hiện thủ tục tiếp theo sẽ không cần dùng đến sổ.
Theo hướng dẫn tại Thông tư 59/2021/TT-BCA thì người dân có thể thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước công dân gắn chíp tại nơi tạm trú mà không cần phải về quê.
Ngoài ra, từ ngày 1/7, người dân yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú có thể trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của công dân để đề nghị cấp xác nhận thông tin về cư trú.
Nhiều đối tượng sẽ được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí. (Ảnh minh họa) |
Tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP, Chính phủ đã chính thức tăng mạnh mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 1/7 là 360.000 đồng/tháng, tăng 90.000 đồng/tháng (so mức hiện hành là 270.000 đồng/tháng).
Đáng chú ý, sẽ có nhiều đối tượng được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 8, Điều 3, Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật, đối tượng bảo trợ xã hội thuộc nhóm đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng. Điều này có nghĩa những đối tượng này sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Kể từ ngày 1/7, Nghị định 20/2021/NĐ-CP bổ sung thêm nhiều đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, do đó cũng sẽ có thêm nhiều đối tượng được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí.
Ngoài ra, người dân được biết giá dịch vụ khi đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Nội dung này được nêu tại Thông tư 05/2021/TT-BYT về quy định về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh công lập.
Theo đó, một trong những nội dung các bệnh viên công lập phải công khai đối với người bệnh, người đại diện hợp pháp của người bệnh có thẻ Bảo hiểm y tế đó là: Giá thu dịch vụ khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế.