Những quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy
Khuyến cáo các biện pháp phòng cháy, chữa cháy đối với hộ gia đình Trường học an toàn phòng cháy, chữa cháy |
Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Bộ Công an:
Ngày 31/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Nghị định này thay thế Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022 bao gồm 04 chương, 82 điều: Chương I gồm 06 Điều quy định chung về Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; quy định về mức phạt tiền tối đa; đối tượng vi phạm; thời hiệu xử phạt và thủ tục xử phạt đối với các hành vi vi phạm được quy định tại Bộ luật Hình sự. Chương II gồm 04 mục, 61 Điều quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong các lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Chương III gồm 12 Điều quy định về thẩm quyền xử phạt, nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính. Chương IV gồm 03 Điều quy định về điều khoản thi hành (Hiệu lực thi hành; quy định chuyển tiếp và trách nhiệm thi hành). Trong đó, hành vi vi phạm về PCCC&CNCH được quy định tại Mục 3 Chương II của Nghị định gồm 23 điều (từ Điều 29 đến Điều 51) với tổng số 184 hành vi vi phạm.
- Một số nội dung mới trong Nghị định số 144/2021/NĐ-CP
So với Nghị định số 167/2013/NĐ-CP trước đây, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP đã quy định cụ thể về đối tượng bị xử phạt hành chính, quy định thêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực cứu nạn, cứu hộ; sửa đổi, bãi bỏ một số hành vi vi phạm cho phù hợp với quy định về quản lý nhà nước về PCCC, bảo đảm dễ hiểu và dễ áp dụng trong thực tiễn; điều chỉnh mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm bảo đảm phù hợp với tính chất, mức độ xâm hại của hành vi vi phạm; bãi bỏ hình thức phạt trục xuất đối với một số hành vi vi phạm không mang tính nguy hiểm, chưa đến mức phải trục xuất; bổ sung, lược bỏ một số biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp với các quy định mới của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực PCCC; bổ sung thêm một Điều mới gồm 04 hành vi vi phạm quy định về khai báo cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền tin báo sự cố (Điều 43); bổ sung thẩm quyền xử phạt cho Trưởng phòng nghiệp vụ của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (tương đương với thẩm quyền của Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH thuộc Công an cấp tỉnh). Ngoài ra Nghị định đã quy định thẩm quyền xử phạt cho Thanh tra Bộ Tài chính, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc có hành vi vi phạm quy định tại Điều 49 Nghị định này.
- Về điều khoản chuyển tiếp
Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ xảy ra trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm để xử lý. Trường hợp Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi đã xảy ra thì áp dụng các quy định của Nghị định này để xử lý.
Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành, mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.