Nợ bảo hiểm xã hội - Kỳ cuối: Người lao động cần quyết liệt bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình
Nợ bảo hiểm xã hội - Kỳ 2: Người lao động "gánh" thiệt thòi Xử phạt 35 đơn vị chây ì, nợ tiền bảo hiểm xã hội Nợ bảo hiểm xã hội - Kỳ 1: Điểm mặt những "đại gia" chây ì |
Chủ động theo dõi quá trình tham gia BHXH
BHXH, BHYT là 2 trụ cột quan trọng trong chính sách an sinh xã hội, bởi nó đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong suốt quá trình làm việc. Tuy nhiên, tầm trọng của BHXH, BHYT đối người lao động không phải ai cũng rõ, chỉ đến khi họ rơi vào tình cảnh bị đơn vị, doanh nghiệp trốn, chậm đóng BHXH.
Thực tế cũng cho thấy, rất nhiều lao động khi phát hiện doanh nghiệp chậm đóng BHXH nhưng vì sợ mất việc làm, vì doanh nghiệp vẫn đảm bảo chi trả tiền lương hàng tháng, nên họ chấp nhận “im lặng”. Và rồi, khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, nghỉ chế độ thải sản… thì họ mới ngã ngửa khi biết rằng sự im lặng của mình trước đây chính là việc tiếp tay cho doanh nghiệp vi phạm pháp luật và hậu quả cuối cùng người lao động phải gánh chịu.
Người lao động có thể chủ động theo dõi quá trình đóng BHXH của mình qua phần mềm VssID |
Với những trường hợp chấp nhận “thiệt thòi” để đảm bảo công việc, chúng ta tạm thời chưa nhắc đến. Nhưng với nhiều lao động, do trình độ hạn chế, không giám sát được thời gian tham gia chế độ BHXH mà mình được hưởng, dẫn đến việc doanh nghiệp nợ đọng BHXH nhưng không hề hay biết.
Theo đại diện BHXH Thành phố, hiện nay việc triển khai ứng dụng VssID - BHXH đã giúp người lao động có thể chủ động hơn trong việc theo dõi quá trình đóng BHXH của doanh nghiệp, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), cũng như các thiếu sót trong quá trình đóng BHXH, việc khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, nếu mỗi người lao động cùng giám sát việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, thì sẽ hạn chế tối đa những phát sinh trong quá trình làm việc, cũng như những phát sinh khi bị doanh nghiệp kéo dài nợ đọng BHXH.
Đề cập đến thực trạng trốn, chậm đóng BHXH của một số đơn vị, doanh nghiệp, Luật sư Hoàng Văn Sản - Giám đốc Công ty luật TNHH Tùng Sơn cho rằng, hành vi trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 17 Luật BHXH 2014, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, công ty có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
“Theo Điều 216 Bộ luật Hình sự 100/2015/QH2013 (sửa đổi bổ sung 2017), tội trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sẽ bị xử phạt với mức cao nhất lên đến 1 tỉ đồng, hoặc phạt tù lên đến 7 năm. Ngoài ra, có thể bị áp dụng hình phạt tiền bổ sung lên đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, hoặc công việc nhất định lên đến 5 năm. Ngoài các chế tài nêu trên, công ty còn bị truy nộp số tiền BHXH phải đóng và buộc nộp số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng...”, luật sư Sản cho hay.
Cũng theo luật sư Hoàng Văn Sản, hành vi công ty trốn, chậm đóng BHXH xảy ra rất phổ biến trong nhiều năm qua. Mặc dù chế tài đối với hành vi này đã được quy định, tuy nhiên khi áp dụng xử lý hình sự, cơ quan điều tra đang gặp nhiều khó khăn do hành vi chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Có thể kể đến như doanh nghiệp chưa từng bị xử phạt vi phạm hành chính trước đó về hành vi trốn đóng BHXH để làm căn cứ xử lý hình sự; hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm luật có hiệu lực, hay khó khăn trong việc chứng minh hành vi gian dối, bởi công ty thường đưa ra lý do đang khó khăn trong sản xuất kinhdoanh nên nợ đóng BHXH chứ không phải trốn đóng BHXH,...
Chủ động thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện
Có thể thấy, việc các công ty đóng BHXH cho người lao động là trách nhiệm bắt buộc khi giao kết hợp đồng lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, vì những lí do khác nhau, nhiều công ty đã có hành vi vi phạm pháp luật khi nợ hay "trốn đóng BHXH", dẫn đến người lao động phải gánh chịu thiệt hại nhãn tiền, nhất là không nhận được trợ cấp thất nghiệp; không được BHXH chi trả các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất.
Người lao động cần lên tiếng khi bị đơn vị, doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH |
Do đó, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi biết công ty nợ BHXH, trước tiên, người lao động cần thực hiện quyền gửi đơn khiếu nại đến công ty để yêu cầu công ty đóng BHXH bổ sung. Nếu như, công ty vẫn không thực hiện việc đóng bổ sung thì người lao động có quyền khiếu nại với Chánh thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội. Đồng thời, người lao động có thể khởi kiện lên Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết tranh chấp.
“Trong quá trình buộc công ty thực hiện đóng BHXH bổ sung, người lao động có thể nhờ sự giúp đỡ từ tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, ví dụ như tổ chức Công đoàn, hoặc luật sư để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình”, luật sư Hoàng Văn Sản gợi ý...
Có thể thấy, thực trạng doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH hiện nay tiếp tục gia tăng. Trong đó, việc trốn đóng BHXH không chỉ vi phạm pháp luật mà còn là hành vi chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Để hạn xứ lý thực trạng này, hiện Luật Hình sự, Luật BHXH cũng đã có những chế tài cụ thể. Tuy nhiên, theo luật sư Hoàng Văn Sản, thực tế hầu như không xử lý được trường hợp nào do nhận thức của cơ quan tiến hành tố tụng khi cho rằng muốn xử lý hình sự phải chứng minh được doanh nghiệp trốn đóng BHXH.
Trong khi đó, khi làm việc với cơ quan chức năng cũng như cơ quan tiến hành tố tụng, người sử dụng lao động cho rằng họ không trốn đóng BHXH mà chỉ chậm đóng và đưa ra nhiều lý do, rồi hứa đóng.
“Các cơ quan chức năng cần làm rõ việc thế nào là chậm đóng, trốn đóng BHXH. Hoặc chậm đóng trong bao lâu, nhưng không đóng thì coi như trốn đóng BHXH. Qua đó, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chây ì chậm, trốn đóng BHXH. Bởi lẽ, càng để lâu thì việc khắc phục càng khó khăn và người lao động càng thiệt thòi”, luật sư Hoàng Văn Sản nhấn mạnh.