Phải làm gì khi cá nhân tự mua đất nhưng trong sổ đỏ lại ghi sở hữu "hộ gia đình"?
Chứng khoán lao dốc, nhà đầu tư vẫn “đâm đầu” tìm cơ hội kiếm tiền |
Anh Phạm Đức Đông (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) hỏi: Cách đây 2 năm, tôi tự bỏ tiền cá nhân để mua mảnh đất ở ngoại thành Hà Nội, lúc ấy, không nhớ đã khai thông tin ra sao nhưng khi nhận sổ đỏ mới phát hiện phần chủ sở hữu ghi là "hộ gia đình".
Hiện đang cần tiền để đầu tư, tôi muốn bán mảnh đất áy, nhưng theo tìm hiểu tôi biết được khi thực hiện các quyền của người sử dụng đất như chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải có sự đồng ý của các thành viên trong hộ.
Vậy tôi phải làm gì để được lấy lại quyền sở hữu cá nhân với mảnh đất ấy?
Trả lời thắc mắc của anh Đông, luật sư Nguyễn Hoàng (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, Khoản 29 Điều 3 Luật đất đai 2013 quy định: Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Khoản 2 Điều 212 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này.
Từ những quy định nêu trên, luật sư Long thông tin, nếu một thửa đất đứng tên cả hộ gia đình thì khi thực hiện các quyền của người sử dụng đất như chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải có sự đồng ý của các thành viên trong hộ. Trường hợp có thành viên trong hộ bị chết thì phải có sự đồng ý của những người thừa kế của người bị chết.
Tuy nhiên như thông tin anh Đông nêu, việc nhận chuyển nhượng thửa đất từ khoản tiền riêng của anh không liên quan đến hộ gia đình. Khi ký kết Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chỉ có một mình anh Đông tham gia.
Như vậy, để giải quyết nhầm lẫn trên, luật sư khuyên anh Đông có thể làm đơn đến Văn phòng đăng ký đất đai nơi anh đã đăng ký làm thủ tục sang tên trước bạ, đề nghị đính chính lại. Nội dung đính chính là tên người sử dụng đất trên Giấy chứng nhận, từ "Hộ gia đình" sang thành tên cá nhân, cho đúng với Hợp đồng chuyển nhượng anh Đông ký kết có trong hồ sơ khi đăng ký sang tên.
Khi kiểm tra, nếu thấy việc ghi tên người sử dụng đất do nhầm lẫn thì Văn phòng đăng ký đất đai sẽ điều chỉnh lại theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, để tránh gặp rắc rối như anh Đông, luật sư Phạm Hải Long khuyến cáo, ngay khi nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay bất kỳ giấy tờ nào pháp lý nào, người dân nên kiểm tra kỹ các thông tin xem đã được ghi đầy đủ và chính xác hay chưa. Nếu có sai sót, ngay lúc đó, phải báo lại cho cơ quan cấp giấy để được đính chính hoặc cấp lại giấy mới. Trường hợp này, người dân sẽ không phải thực hiện bất kỳ thủ tục hành chính nào có liên quan.
Trường hợp nếu đã nhận giấy tờ, nhưng sau này mới phát hiện có sai sót, người dân phải thực hiện thủ tục đăng ký biết động theo quy định của pháp luật, ví dụ như thủ tục làm đơn xin đính chính của anh Đông. Điều này sẽ tốn thời gian, công sức cũng như chi phí đi lại.