Vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến chết: Sẽ phải giám định thương tật qua hồ sơ bệnh án
Xét xử công khai vụ bạo hành bé gái dẫn đến tử vong ở quận Bình Thạnh Công an TP.HCM kết luận vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến tử vong |
Theo cáo trạng, bé V.A là con của Nguyễn Kim Trung Thái và chị N.T.HSau khi ly hôn, tháng 8/2020, Thái được Tòa án giao quyền nuôi bé V.A.
Đến tháng 9/2020, Trang và Thái có quan hệ tình cảm. Cả hai cùng cháu V.A sinh sống ở một căn hộ chung cư Saigon Pearl (số 92 Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22, quận Binh Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh).
Trong quá trình chung sống, Trang thường xuyên có hành vi bạo hành với cháu V.A. Vào ngày 22/12/2021 Trang đã dùng hung khí đánh đập cháu V.A dã man trong gần 4 giờ liền khiến cháu tử vong.
Bị cáo Thái là người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc cháu V.A, dù thấy Trang đánh và hành hạ con ruột nhiều lần trong nhiều giờ nhưng Thái vẫn thờ ơ, không ngăn cản hay có hành động nào bảo vệ, che chở con mình.
Không những vậy, có thời điểm Thái còn cùng Trang đánh đập, hành hạ cháu VA, giúp sức cho Trang hành hạ cháu V.A. Khi biết Trang đánh cháu V.A tử vong, Thái đã xóa dữ liệu camera để che giấu hành vi phạm tội của Trang, gây cản trở công tác điều tra.
Bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái tại phiên tòa ngày 21/7 |
Tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 21/7, Hội đồng xét xử cho biết, trước khi phiên tòa bắt đầu, đơn vị nhận được đề nghị của luật sư Nguyễn Anh Thơm và luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại là cháu V. A) về việc đề nghị xét xử công khai vụ án, xác định tỉ lệ thương tích của bị hại trong các ngày 7, 10, 11,12/12/2021 và xác định bị cáo Thái là đồng phạm với tội danh “Giết người”.
Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử cho rằng vụ án này thuộc trường hợp phải xử kín nhưng do hành vi các bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, xâm hại trẻ em, được dư luận xã hội quan tâm. Người đại diện bị hại không yêu cầu xử kín, nên tòa án tiến hành xét xử công khai nhắm giáo dục, phòng ngừa, răn đe.
Hội đồng xét xử xét thấy cần giám định thương tích, tỷ lệ tổn thương cơ thể gây ra cho bị hại. Việc giám định không thể thực hiện ngay tại phiên tòa nên quyết định tạm hoãn, trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân để điều tra bổ sung...
Lý giải về vấn đề giám định lại thương tích của cháu V.A sau khi cháu đã mất và được hỏa thiêu, Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết:
Việc trả hồ sơ để giám định lại thương tích đã được quy định tại Khoản 2, Điều 2, Thông tư 22 năm 2019 của Bộ Y tế. Theo đó, thông tư này quy định nguyên tắc giám định vẫn được thực hiện qua hồ sơ trong trường hợp nạn nhân đã tử vong hoặc mất tích.
Trong vụ án, toàn bộ hồ sơ bệnh án của cháu A và các Biên bản khám nghiệm pháp y tử thi đã được cơ quan điều tra làm rõ và sau đó cho ra Bản kết luận giám định pháp y về nguyên nhân cái chết và cơ chế hình thành vết thương trên người cháu A.
Trong Bản kết luận giám định pháp y của Phòng kỹ thuật hình sự Công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã xác định có nhiều vết thương cũ trước ngày 22/12/2021 (trong khoảng 20 - 25 ngày trước khi cháu tử vong).
Các loại vết thương, kích cỡ vết thương, các tổn thương ở bên trong như thế nào đều đã xác định được. Cơ chế hình thành vết thương đều do vật tày gây nên, phù hợp với lời khai của hai bị cáo về việc sử dụng hung khí, chân tay để gây nên các thương tích đó, trước ngày cháu tử vong (ngày 22/12/2021).
Ngoài ra, nguyên nhân chết của cháu cũng được làm rất rõ, các vết thương trước đó là yếu tố cộng hưởng cộng với tổn thương ngày 22/12/2021 tạo nên nguyên nên cái chết cho cháu A.
Do có đủ cơ sở nên Tòa trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát để cơ quan này trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra, thực hiện trưng cầu bổ sung các thương tích trước ngày cháu A tử vong trên hồ sơ vụ án.
Trong vụ án, thi thể của cháu V.A đã được hỏa thiêu, nên việc giám định tỷ lệ thương tật có thể sẽ được thực hiện qua hồ sơ bệnh án, hồ sơ giải phẫu trước đây (phim, ảnh, tài liệu, kết quả phân tích vi chất…).