Cần xây dựng hệ thống pháp luật và niềm tin cho nhà đầu tư trái phiếu
Trái phiếu doanh nghiệp: Nhà đầu tư cá nhân nên thận trọng để tránh rủi ro Cảnh báo rủi ro đối với các nhà đầu tư mua trái phiếu riêng lẻ Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững |
Tại tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và trách nhiệm” sáng 13/9, các chuyên gia cùng bàn về giải pháp hàn gắn những khoảng trống của thị trường TPDN cũng như hướng điều chỉnh về cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, tại Việt Nam, TPDN là một mảnh ghép của thị trường vốn phát triển hơi chậm so với các thị trường vốn khác.
Tuy nhiên, điều đáng mừng là Việt Nam có những con số tăng trưởng nhanh chóng. Trong giai đoạn 2017-2021 quy mô thị trường TPDN tăng 24%, và đến 2021 là 56%. Điều này cho thấy nhu cầu thị trường là vô cùng lớn đến từ cả người mua lẫn doanh nghiệp phát hành.
Nhưng theo ông Nguyễn Tú Anh, "cái gì mới ra mà lớn nhanh quá thì lại phải thận trọng, giống như khi mới tập đi mà đã đi quá nhanh thì hay bị ngã, đôi khi ngã rất đau".
Một số vụ việc xảy ra trên thị trường TPDN vừa qua cho thấy điều này. Các xử lý của các cơ quan hành pháp đã không gây quá xáo trộn đối với thị trường, nhưng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đã chậm lại trong tháng 4, tháng 5 và tới tháng 6 thì lượng phát hành đã tăng trở lại. Tuy nhiên cũng có những rủi ro nhất định làm giảm niềm tin của người đầu tư.
Ông Nguyễn Tú Anh cho rằng, bất kỳ thị trường nào cũng đều phải xây dựng hệ thống niềm tin. "Thông thường chúng ta có 2 cách tiếp cận về niềm tin. Cách cổ điển là chúng ta xây dựng luật chặt chẽ, kiểm soát thật chặt để lọc bớt rủi ro. Do đó chúng ta có cách tiếp cận mới là phải xây dựng niềm tin, xây dựng các công cụ xử lý rủi ro", ông Nguyễn Tú Anh nói.
Dưới góc độ luật sư, ông Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law, cho biết, đúc rút từ thực tế khi làm việc, đứng ở khía cạnh nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư cá nhân đa số không hiểu nhiều về các vấn đề vĩ mô, bản chất trái phiếu. Thứ nhất, họ quan niệm mua trái phiếu như gửi tiết kiệm. Thứ hai là lãi suất trái phiếu cao hơn ngân hàng thì họ mua, không quan tâm tài sản đảm bảo là gì, hay các vấn đề liên quan ra sao.
Khi xảy ra sự việc, các nhà phát hành vướng vào vòng lao lý, nhà đầu tư chỉ mong muốn lấy lại tiền khi mua trái phiếu, đặc biệt trái phiếu đến hạn. Họ hoàn toàn mong muốn nhà phát hành có thể xử lý các vấn đề như bán tài sản để lấy tiền trả cho người mua trái phiếu. Tuy nhiên trong cơ chế nền tư pháp hiện nay vẫn còn khó khăn vướng mắc cần có các định chế cho vấn đề này. Các nhà đầu tư cá nhân lo lắng không lấy lại được tiền.
“Tôi nghĩ vấn đề ở đây là khía cạnh tư pháp. Trong thời gian tới Chính phủ cần nghiên cứu cơ chế xử lý những trường hợp doanh nghiệp đáo hạn nhưng không trả được tiền cho nhà đầu tư. Trong Nghị định 153 cần có cơ chế đảm bảo việc đó, khi mà niềm tin nhà đầu tư đi xuống sau những vụ việc vừa qua”, ông Nguyễn Thanh Hà đề xuất.
Ông Don Lambert - Trưởng ban Phát triển Khu vực kinh tế tư nhân, Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, cho rằng, thị trường vốn Việt Nam thời gian qua phát triển nhanh, hiện nay đã lớn nhất Đông Nam Á và sẽ phát triển lớn hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, bất cứ thị trường nào có sự phát triển nhanh như vậy cũng có những rủi ro về hệ thống.
"Chúng ta có những khoản trái phiếu bán cho nhà đầu tư cá nhân và thật đáng tiếc khi có những nhà đầu tư mất tiền như vậy. Thực tế, có những trái phiếu không phải lúc nào cũng tốt, luôn có những rủi ro. Việt Nam có thị trường trái phiếu phát triển rất nhanh nhưng sự phát triển của những cơ quan xếp hạng tín nhiệm lại không tương đồng", ông Don Lambert nói.
Theo vị chuyên gia này, hiện nay đã có nhiều đơn vị xếp hạng tín nhiệm toàn cầu và trong khu vực châu Á cũng có những đơn vị xếp hạng uy tín. Việt Nam muốn có những đơn vị xếp hạng tín nhiệm thành công cần học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị xếp hạng tín nhiệm toàn cầu.
“Xếp hạng chính là ý kiến và bạn cần đảm bảo ý kiến đó hoàn toàn minh bạch, khách quan, không bị ảnh bởi những ý kiến tác động của bên nào”, ông Don Lambert khẳng định.
Trong môi trường xếp hạng tín nhiệm chặt chẽ các nhà đầu tư có thể hy sinh lợi nhuận để có xếp hạng tín nhiệm. Còn với những thị trường không có xếp hạng tín nhiệm thì cần các quy định pháp luật cần chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, việc xếp hạng tín nhiệm cũng có chi phí khá đắt đỏ như chi phí kế toán, chi phí kiểm định,… các chi phí này có thể lên tới hàng chục nghìn USD.
Ông Don Lambert khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể làm được xếp hạng tín nhiệm vì đã có những đơn vị xếp hạng tín nhiệm nội địa. Bên cạnh đó, một khi đã phát triển được môi trường pháp lý tốt thì sẽ thu hút được nhà đầu tư.
"Trong thời gian vừa qua Việt Nam chủ yếu chứng kiến các vụ phát hành riêng lẻ và 95% các vụ chào bán trên thị trường trái phiếu là phát hành riêng lẻ. Nhưng nếu bắt buộc các doanh nghiệp phải xếp hạng thì chẳng ai chịu xếp hạng cả. Việc xếp hạng tín nhiệm là bình thường tôi không hiểu tại sao lại là vấn đề của Việt Nam", ông Don Lambert đặt dấu hỏi.
Ông Don Lambert cũng cho rằng, tại Việt Nam, các nhà đầu tư rót vào các trái phiếu do doanh nghiệp phát hành rất ít, chủ yếu là trái phiếu chính phủ và trái phiếu do các ngân hàng phát hành. Trong khi nhu cầu đầu tư vẫn rất lớn và phản ánh khá rõ qua sự phát triển của thị trường bảo hiểm. Vì vậy, Việt Nam rất cần đến các đơn vị xếp hạng tín nhiệm với các yêu cầu bắt buộc. Cùng với đó, cần có những doanh nghiệp làm theo yêu cầu này để làm ví dụ cho thị trường.
Bảo Thoa