Luật hóa các trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp Phải làm gì khi cá nhân tự mua đất nhưng trong sổ đỏ lại ghi sở hữu "hộ gia đình"? |
Luật hóa các trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. |
Chương IX Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, gồm 17 điều (từ Điều 107 đến Điều 123).
5 trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Ngoài các nội dung kế thừa Luật Đất đai 2013, tại Chương này, dự thảo tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung sau:
Bổ sung các trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất gồm:
1- Đất dự phòng và đất thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.
2- Đất được giao để quản lý thuộc các trường hợp quy định tại Điều 9 của Luật này, trừ trường hợp: đất được giao sử dụng chung với đất được giao quản lý thì được chứng nhận phần quyền sử dụng theo quyết định giao, cho thuê của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3- Đất thuê, thuê lại của người sử dụng đất; đất nhận khoán, trừ trường hợp thuê, thuê lại đất của nhà đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng, phù hợp với dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
4- Đất đã được đăng ký vào sổ địa chính nhưng đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp đã quá 03 năm kể từ thời điểm có quyết định thu hồi đất mà không thực hiện.
5- Tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp xã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích xây dựng công trình công cộng gồm: công trình giao thông, công trình dẫn nước, dẫn xăng, dầu, khí; đường dây truyền tải điện, truyền dẫn thông tin; khu vui chơi giải trí ngoài trời; nghĩa trang, nghĩa địa không nhằm mục đích kinh doanh.
Chương IX: Sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung, vai trò của hồ sơ địa chính trong quản lý đất đai
Luật Đất đai năm 2013 quy định hồ sơ địa chính:
1- Hồ sơ địa chính bao gồm các tài liệu dạng giấy hoặc dạng số thể hiện thông tin chi tiết về từng thửa đất, người được giao quản lý đất, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, các quyền và thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
2- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ địa chính và việc lập, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính; lộ trình chuyển đổi hồ sơ địa chính dạng giấy sang hồ sơ địa chính dạng số.
Còn tại Điều 107 dự thảo Luật Đất đai, sửa đổi bổ sung quy định về nội dung, vai trò của hồ sơ địa chính trong công tác quản lý đất đai:
1- Hồ sơ địa chính bao gồm các tài liệu thể hiện thông tin chi tiết về từng thửa đất, người được giao quản lý đất, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, tình trạng pháp lý của thửa đất và tài sản gắn liền với đất phản ảnh đầy đủ tình hình quản lý sử dụng đất trên địa bàn.
2- Hồ sơ địa chính được sử dụng để:
a) Làm công cụ quản lý đất đai.
b) Bảo vệ quyền và xác định nghĩa vụ của người sử dụng đất, người quản lý đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai.
c) Xác định các khoản thu tài chính từ đất đai.
d) Giám sát biến động thị trường quyền sử dụng đất.
đ) Hỗ trợ người sử dụng đất trong việc tiếp cận vốn tín dụng.
e) Hỗ trợ các ngành, các cấp chỉ đạo điều hành, xây dựng, triển khai và giám sát việc thực hiện quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng.
g) Cung cấp thông tin cho nhà đầu tư có nhu cầu tiếp cận đất đai.
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 109 dự thảo Luật cũng bổ sung quy định trách nhiệm lập, cập nhật, khai thác hồ sơ địa chính. Cụ thể, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo việc lập hồ sơ địa chính tại địa phương.
Chương IX: Hoàn thiện quy định về công nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân không có các giáy tờ làm căn cứ về quyền sử dụng đất
Tại điểm a, b khoản 2 và khoản 3 Điều 115, hoàn thiện quy định về công nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân không có các giáy tờ làm căn cứ về quyền sử dụng đất.
Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 113 của Luật này thì được công nhận quyền sử dụng đất nếu có các điều kiện như sau:
+ Thửa đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp không thuộc trường hợp lấn, chiếm, tranh chấp đất đai.
+ Thửa đất sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp không thuộc trường hợp lấn, chiếm, tranh chấp đất đai, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 115 thì được Nhà nước ghi nhận là người đang sử dụng đất tại thời điểm đăng ký, được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước có quyết định xử lý theo quy định của Chính phủ.
Chương IX: Các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình có nhu cầu thì cấp một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi đầy đủ tên thành viên
Việc cấp Giấy chứng nhận được thực hiện trên cơ sở văn bản giấy tờ của cơ quan hành chính nhà nước, giấy tờ do cơ quan nhà nước khác đã xác lập và nhu cầu của người sử dụng đất tại Khoản 5 Điều 120 Nguyên tắc, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Cụ thể, trường hợp thửa đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình thì cấp một Giấy chứng nhận ghi tên đại diện hộ gia đình trên Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện hộ gia đình. Trường hợp các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình có nhu cầu thì cấp một Giấy chứng nhận ghi đầy đủ tên thành viên trên Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện. Việc xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình để ghi tên trên Giấy chứng nhận do các thành viên này tự thỏa thuận bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.
Xác lập giá trị pháp lý đối với trường hợp đăng ký đất đai, thông tin được ghi nhận vào sổ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai phù hợp với hệ thống đăng ký chứng quyền hiện nay các nước tiên tiến đang áp dụng tại khoản 1 Điều 136 Quản lý, khai thác và kết nối liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Cụ thể, thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác thực điện tử có giá trị pháp lý như trong hồ sơ dạng giấy.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc sửa đổi, bổ sung các nội dung nêu trên nhằm phân định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc hoàn thành đăng ký đất đai đối với tất cả các thửa đất, tăng cường trách nhiệm của người sử dụng đất thông qua việc quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất, người được giao đất quản lý; quy định chế tài xử lý mạnh mẽ đối với chính quyền địa phương các cấp không thực hiện tổ chức đăng ký đất đai bắt buộc; đối với người sử dụng đất, người được giao đất quản lý không hoặc chậm thực hiện việc đăng ký, ngăn chặn các trường hợp giao dịch không thực hiện đăng ký (giao dịch ngầm); quy định rõ trách nhiệm trong từng khâu giải quyết thủ tục hành chính, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc đã xác lập các giấy tờ để làm thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận.
Theo baochinhphu.vn