Phục hồi thị trường xuất khẩu lao động sau dịch
Cách xếp lương viên chức ngành kiểm định kỹ thuật an toàn lao động Phục hồi và phát triển thị trường lao động để kinh tế tăng trưởng bền vững |
Kết nối người có nhu cầu XKLĐ với doanh nghiệp sau dịch COVID-19 tại Thái Nguyên. Ảnh: V.T |
Mặc dù đã hoàn thành các khoá học tiếng và những thủ tục liên quan từ đầu năm 2021 nhưng mãi tới cuối tháng 3 vừa qua anh Lương Văn An (xã Yên Đổ, Phú Lương, Thái Nguyên) mới được nhập cảnh vào Đài Loan (Trung Quốc) để làm việc cho một công ty chuyên sản xuất gọng kính.
Hiện tại phía chỗ ăn ở ổn định, anh An cũng đã bắt tay vào làm việc được một thời gian.
Gọi điện thoại về cho gia đình, anh An phấn khởi: “Cũng may là dịch bệnh ổn rồi chứ không biết bao giờ mới đi được, tiền vay mượn để chi phí cho chuyến này cũng tốn kém. Giờ sang được bên này thì yên tâm làm việc, cũng chỉ mong có nhiều việc để làm còn kiếm thêm thu nhập”.
Trong khi đó, chị Âu Thuý Liên (Chiêm Hoá, Tuyên Quang) đang chuẩn bị những đồ dùng cần thiết để sang tuần lên máy bay sang Nhật Bản làm việc theo chương trình vừa học vừa làm. Lúc đăng ký vào giữa năm 2021 chị Liên cũng lo lắng vì dịch COVID-19 vẫn phức tạp, thị trường Nhật Bản chưa mở cửa đón lao động thì chưa biết khi nào mới có thể đi được.
Giờ đây khi đã chuẩn bị được xuất cảnh, chị Liên khá hồi hộp: “Nghe một số người bạn đang ở bên đó kể rồi, mọi việc thuận lợi cả thôi, tuy nhiên chưa đi bao giờ nên trong lòng cũng nhiều cảm xúc. Hy vọng sang đó mọi việc thuận lợi, vừa học được kiến thức lại vừa có thêm thu nhập gửi về nhà”.
Chỉ riêng tại tỉnh Thái Nguyên trong 5 tháng đầu năm nay đã có 485 lao động được nhập cảnh vào Nhật Bản, Hungary, Trung Quốc và Đài Loan làm việc. Trong đó, Nhật Bản là thị trường XKLĐ đông nhất với hơn 300 người, Đài Loan gần 170 người.
Các gia đình có người đi XKLĐ đều yên tâm vì con em có công việc ổn định và đã gửi tiền lương giúp đỡ người thân.
Số liệu của Sở LĐTBXH tỉnh Thái Nguyên cho thấy, trong giai đoạn 2011-2019, bình quân mỗi năm có hơn 1.500 lao động của địa phương này đi XKLĐ, riêng năm 2019 là trên 2.000 người. Tuy nhiên 2 năm vừa qua (2020-2021) dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên thế giới, nhiều nước đã hạn chế hoặc cấm nhập cảnh nên thị trường XKLĐ gần như đóng băng, lượng người đi rất nhỏ giọt. Từ đầu năm 2022 đến nay, khi dịch bệnh đã được kiểm soát thị trường XKLĐ tại Thái Nguyên từng bước hồi phục.
Tại Thái Nguyên hiện có hơn 50 đơn vị tham gia trong lĩnh vực XKLĐ, tuy vậy Sở LĐTBXH chỉ hợp tác với những doanh nghiệp thực sự có năng lực, làm việc hiệu quả, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Các thị trường lớn, truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc... được khai thác triệt để với nhiều ngành nghề nhu nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe… thu nhập từ 22 đến 35 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, hậu COVID-19, kinh tế trên thế giới sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu tiếp nhận lao động sẽ gia tăng và đây chính là thời cơ thuận lợi để tăng cường đưa lao động đi làm việc ở các nước. Trong đó có những thị trường mới với rất nhiều tiềm năng về thu nhập, môi trường làm việc cho người lao động.
Ông Liêm cho nhấn mạnh: “Để đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng tốt của những thị trường khó tính, các địa phương, doanh nghiệp XKLĐ phải tích cực đào tạo, trang bị kiến thức cho người lao động trước khi xuất cảnh. Việc đào tạo ngoại ngữ, đào tạo nghề và trang bị kỹ năng mềm cho người lao động là yêu cầu bắt buộc.
Thực tế chúng ta đã dần hình thành một lực lượng lao động Việt Nam có tay nghề và tác phong chuẩn mực tại nhiều thị trường”.
Theo Văn Tùng/laodong.vn
https://laodong.vn/cong-doan/phuc-hoi-thi-truong-xuat-khau-lao-dong-sau-dich-1056495.ldo