Thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng, công nhân mong hỗ trợ mua nhà ở xã hội
Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của công nhân lao động 10 nhu cầu bức thiết của công nhân lao động mong Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm chỉ đạo giải quyết |
Nhiều lao động thu nhập thấp mong có chính sách hỗ trợ mua nhà ở xã hội phù hợp. Ảnh: P.Linh |
Chị Nguyễn Thị Kim Hiền, làm công nhân từ năm 2017 đến nay ở công ty chuyên về thủ công mỹ nghệ xuất khẩu trên địa bàn Khánh Hòa. Thu nhập bình quân của chị Hiền được gần 5 triệu đồng sau khi trừ các khoản BHXH, BHYT... Chị vẫn phải thuê nhà trọ để đi làm từ nhiều năm nay vì không thể mua được nhà ở.
“Lương tôi chỉ tạm đủ chi tiêu cho cuộc sống, mỗi tháng tiền nhà của tôi hết 1 triệu đồng, chiếm 20% tiền lương rồi. Muốn thoát khỏi cảnh thuê nhà trọ lắm nhưng hiện nay vẫn chưa thể nghĩ đến đất nhà vì giá quá cao so với điều kiện kinh tế. Thấy có nhà ở xã hội nhưng công nhân như tôi khó tiếp cận được, mà giá thấp nhất cũng phải 400 triệu đến tiền tỷ, lương của tôi biết bao giờ mới mua được”- chị Hiền nói.
Cũng như chị Hiền, nhiều CNLĐ làm việc tại các KCN, Cụm công nghiệp trên địa bàn Khánh Hòa nếu không có đất nhà được gia đình cho thì rất khó tiếp cận được nhà ở xã hội. Bởi một phần thu nhập thấp, phần giá nhà ở xã hội trên địa bàn nằm ở mức cao, tập trung ở địa bàn TP. Nha Trang là chủ yếu.
Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh - Công ty KomegaX đóng tại KCN Suối Dầu, công ty chị hiện có hơn 1.000 CNLĐ, trong đó nhiều lao động đang phải thuê nhà ở. “Với mức thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người mà chung cư xã hội hiện nay toàn giá cao 10-15 triệu/m sao mà CNLĐ mua được! Với mức thu nhập này, chung cư xã hội giá 300 triệu/ căn và cho trả góp 10 năm may ra công nhân mới có chỗ an cư được”-chị Trinh đề xuất.
Theo lãnh đạo LĐLĐ Khánh Hòa, qua ý kiến của người lao động kiến nghị với Chính phủ tại cuộc gặp gỡ với Thủ tướng thì vấn đề nhà ở cho công nhân là một trong số 4 nhóm kiến nghị được nhiều lao động gửi đến.
Trong đó, liên quan đến chính sách hỗ trợ thuê nhà trọ tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn TP. Nha Trang có nhiều lao động phải thuê nhà trọ ở để đi làm rất khó khăn nhưng không thuộc khu vực được hỗ trợ theo Nghị quyết 08/QĐ- TTg. Vì thế CNLĐ khu vực này đề nghị các cấp mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động, không nhất thiết chỉ là công nhân lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất và khu vực kinh tế trọng điểm.
Về chính sách chung cư, nhà ở xã hội hiện nay CNLĐ rất khó tiếp cận bởi số lượng dự án có nhà ở xã hội trên địa bàn còn rất ít. Đa phần cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có thu nhập ổn định và khá mới đáp ứng được khả năng trả nợ ngân hàng thì mới tiếp cận được những dự án xã hội này. Vì thế CNLĐ mong muốn được Nhà nước, tổ chức Công đoàn tạo điều kiện, có chính sách phù hợp, cởi mở nút thắt về nhà ở xã hội cho công nhân để đoàn viên, người lao động có nhà ở xã hội phù hợp khả năng tài chính của mình.
Theo Phương Linh/laodong.vn